Đi tìm "từ khóa" để xây dựng nền nông nghiệp xanh

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 19/02/2024 09:04 AM (GMT+7)
Sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cộng với việc áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là những “từ khóa” Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) hướng đến nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh.
Bình luận 0

Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học

Năm 2023, với việc phê duyệt 3 đề án liên quan đến ngành trồng trọt, gồm "Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", "Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và "Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030", Bộ NNPTNT khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), trong giai đoạn 2020-2022, tổng lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng bình quân trong cả nước có xu hướng giảm. Cụ thế, nếu năm 2020, mỗi ha sử dụng trung bình 3,81kg thì đến năm 2022 giảm xuống còn 3,19kg/ha. Bên cạnh đó, lượng thuốc BVTV sinh học có xu hướng tăng lên, từ 16,7% trong năm 2020 đã tăng lên gần 18,5% trong năm 2022.

Đi tìm "từ khóa" để xây dựng nền nông nghiệp xanh- Ảnh 1.

Mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả do Cục BVTV (Bộ NNPTNT) phối hợp doanh nghiệp thực hiện tại TP.HCM. Ảnh: N.D.H

Cục BVTV cho rằng, sự chung tay đồng hành của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và người dân sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho phát triển thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ. Qua đó, góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch và hữu cơ, hướng đến giá trị cao, bền vững.

Xu hướng sử dụng ngày càng nhiều thuốc BVTV sinh học được thể hiện trong "Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". 

Trong đề án nói trên, Bộ NNPTNT đặt ra nhiều mục tiêu và chính sách để thúc đẩy ngành sản xuất thuốc BVTV sinh học trong nước, cụ thể là đến 2030, nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%, đồng thời đề xuất nguồn tài chính để hỗ trợ các công ty sản xuất thuốc BVTV sinh học ở quy mô công nghiệp với công nghệ và trang thiết bị hiện đại… đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, Đề án về phân bón hữu cơ được kỳ vọng sẽ là cú hích tạo điều kiện hơn nữa cho việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, giảm chi phí trong giai đoạn tới.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục BVTV, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp xây dựng được nhiều mô hình sản xuất phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả trên diện tích hơn 15.000ha tại nhiều tỉnh trong cả nước. 

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho hàng chục nghìn nông dân và gần 2.000 cán bộ chuyên môn thuộc Cục và cán bộ chuyên môn ở địa phương về sử dụng phân bón hữu cơ; sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả; sử dụng phân bón theo nguyên tắc "5 đúng". Đây là giải pháp hết sức thiết thực, hiệu quả để thay đổi thói quen lạm dụng phân bón vô cơ, gây lãng phí, tăng chi phí đầu vào trong trồng trọt hiện nay.

Bên cạnh đó, một số địa phương hoặc một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón cũng đã chủ động xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm trên các cây trồng chính, các cây trồng có lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, số lượng và diện tích mô hình còn ít và chưa tương xứng với tiềm năng.

Đi tìm "từ khóa" để xây dựng nền nông nghiệp xanh- Ảnh 2.

Ruộng của nông dân Tây Ninh tham gia khảo nghiệm phân bón hữu cơ cho cây mía. Ảnh: Báo Tây Ninh.

Đối với Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPMH) đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh và cây dược liệu được áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích lúa, cây dược liệu và 30% diện tích rau màu, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM); 70% diện tích ngô, cây công nghiệp được áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích ngô, 50% diện tích cây công nghiệp áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM); lượng thuốc BVTV hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế từ 15 - 20% so với sản xuất thông thường…

Cần sự chung tay của doanh nghiệp, nông dân

Ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, đây là 3 đề án quan trọng của ngành gồm nhiều giải pháp về kỹ thuật, chính sách, tiến bộ khoa học, sử dụng vật tư an toàn hiệu quả cũng như các giải pháp thanh tra, kiểm tra, truyền thông nâng cao nhận thức người dân.

Với các đề án này, ngành BVTV sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa với ngành trồng trọt nói riêng và nông nghiệp nói chung nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới. 

"Đây là 3 đề án độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhằm huy động và phát huy những lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học" - ông Đạt cho biết.

Năm 2024, Cục BVTV tiếp tục chú trọng xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm gắn với chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực. Tăng cường tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân và đổi mới phương thức hướng dẫn người dân sử dụng phân bón thông qua các mô hình thực tế, hội thảo đầu bờ. 

Tăng cường công tác khuyến nông, trong đó chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Truyền thông rộng rãi về vai trò, tác dụng lâu dài của việc sử dụng phân bón hữu cơ để người dân hiểu, qua đó đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ ở cả quy mô công nghiệp và quy mô nông hộ.

Bộ NNPTNT kêu gọi sự ủng hộ và tham gia của các bên liên quan để thực hiện 3 đề án trên. Đặc biệt, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển IPHM, phát triển thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các thành phần kinh tế, tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường. Nông dân và các tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, HTX…) liên kết hợp tác để phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem