Tượng Phật cổ Champa tại một ngôi chùa cổ ở Quảng Nam, dân vô tình phát hiện khi đào một gò đất

Chủ nhật, ngày 19/05/2024 08:09 AM (GMT+7)
Tượng Phật nguyên khối thuộc tượng đá cổ Champa được người dân trong thôn phát hiện tại gò Ông Kế (tên gọi khác là gò Cốc) và được nghinh về chùa Hòa Mỹ (xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) . Việc trông nom quét dọn và hương khói trong chùa được cắt cử giao cho một người già trong làng.
Bình luận 0

Chùa Hòa Mỹ (xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) là ngôi chùa cổ được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19. Mới đây, đoàn nghiên cứu của Bảo tàng Quảng Nam đã dựa vào những luận cứ nhân chủng học để xác định niên đại của pho tượng Phật nguyên khối được thờ tại đây.

Tượng Phật cổ Champa tại một ngôi chùa cổ ở Quảng Nam, dân vô tình phát hiện khi đào một gò đất- Ảnh 1.

Cổng chùa Hòa Mỹ.

Lập chùa thờ Phật

Theo các bậc cao niên ở thôn Hòa Mỹ, ban đầu, chùa được lập ra không phải do nhu cầu hoạt động tôn giáo, mà để thờ tượng Phật bằng đá.

Tượng được người dân trong thôn phát hiện tại gò Ông Kế (tên gọi khác là gò Cốc) và được nghinh về chùa. Việc trông nom quét dọn và hương khói trong chùa được cắt cử giao cho một người già trong làng.

Khoảng sau năm 1954, khi chiến tranh chống Pháp chấm dứt, phong trào Phật giáo ở chùa Hòa Mỹ mới được khơi dựng và phát triển, chùa được quan tâm, trùng tu. 

Tuy nhiên, tới giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa lại bị chiến tranh tàn phá, pho tượng đá cổ bị dãi dầu mưa nắng giữa trời.

Đến năm 1980, một số đạo hữu có tâm huyết đã đem tranh, tre dựng tạm cái lều để che mưa nắng cho pho tượng và có nơi để hương khói. 

Và tháng 6 năm 1991, chùa được khởi công tu sửa nền móng cũ, xây dựng lại bằng gỗ, lợp ngói, hình thành nơi sinh hoạt, hội họp và tổ chức các lễ trong năm của Phật giáo.

Tượng Phật cổ Champa tại một ngôi chùa cổ ở Quảng Nam, dân vô tình phát hiện khi đào một gò đất- Ảnh 2.

Chính điện chùa Hòa Mỹ.

Hiện nay, ở chính điện chùa có 3 gian thờ 3 pho tượng. Gian chính giữa chùa thờ một tượng đồng khá lớn, gian bên phải thờ bức tượng gỗ tạc tư thế đứng của Quan Thế Âm Bồ Tát và gian bên trái thờ pho tượng Phật bằng đá nguyên khối thời Champa. 

Đây cũng là pho tượng được phát hiện hơn 150 năm trước tại một gò đất nằm cách chùa 1km về hướng đông nam.

Pho tượng ngồi, chân buông thẳng, bàn tay đặt trên đầu gối, đầu hơi nghiêng, mắt thăm thẳm, đầu có unisa thể hiện bằng mớ tóc.

Tượng mặc một chiếc áo dài rộng, có những nếp gấp bằng và song song phủ xuống tận bàn chân; trên vai trái có thêm một vạt nhỏ. Phía sau pho tượng có bệ điêu khắc hình lá đề, bị nứt nhỏ vị trí tiếp giáp giữa phần bệ đỡ phía sau lưng tượng với tượng.

Nét nhân chủng thể hiện rõ nhân chủng Chăm với cung mày nổi cao liền nhau, mũi to bè, môi dày, có ria mép, khuôn mặt vuông vức. 

Đặc biệt, bộ tóc tạo bởi các vòng tóc xoáy ốc và chiếc u sọ (unisa), vẫn toát lên mạnh mẽ và dữ dội như các khuôn mặt khác của phong cách tượng đá Champa.

Tượng Phật cổ Champa tại một ngôi chùa cổ ở Quảng Nam, dân vô tình phát hiện khi đào một gò đất- Ảnh 3.

Tượng Phật bằng đá chùa Hòa Mỹ.

Để đáp ứng nhu cầu của dân làng, ông Võ Văn Nhượng đã hiến cả khu đất rộng hơn một mẫu cho làng làm chùa. Ông Võ Văn Nhượng sinh đầu thế kỷ 19, thọ trên 100 tuổi và được vua Thành Thái sắc tứ hai chữ “Thọ dân” hàm Thăng Bình Nhân Thụy.

Năm ông Võ Văn Nhượng hiến đất xây cất ngôi chùa khoảng giữa thế kỷ 19. Bước tượng cho đến nay đã được phát hiện và thờ cũng hơn 150 năm. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu và công bố về bức tượng này.

Gạch Chăm ở gò Ông Kế

Sau khi phát hiện chùa Hòa Mỹ có thờ bức tượng Phật Champa, chúng tôi đã tìm kiếm lại khu vực gò Ông Kế - nơi trước đây phát hiện bức tượng. Tuy nhiên, các cụ cao niên trong làng đều không biết rõ vị trí của khu đất này.

Sau khi tìm kiếm vị trí các khu gò ở giữa làng Hòa Mỹ và Phú Trạch, chúng tôi đã tìm thấy địa điểm khu gò lớn với diện tích khoảng 2,8 ha, nằm cách chùa Hòa Mỹ 1km về phía đông nam.

Tượng Phật cổ Champa tại một ngôi chùa cổ ở Quảng Nam, dân vô tình phát hiện khi đào một gò đất- Ảnh 4.

Gạch Chăm ở Gò Ông Kế, xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam)

Trước đây, khu gò có nhiều nhà dân. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ các hộ dân trên gò đã chuyển đi những khu vực thuận tiện hơn để sinh sống.

Diện tích gò hiện được dùng làm nghĩa địa nhỏ cùng với canh tác keo. Bề mặt gò nhiều cây bụi mọc hoang rậm rạp. Trung tâm là một cây xoài lớn, linh thiêng, người dân địa phương rất sợ, không dám động chạm, chặt phá.

Trên bề mặt gò này, chúng tôi đã phát hiện được nhiều mảnh gạch Chăm vỡ vương vãi trên một diện tích khá lớn. 

Ông Nguyễn Văn Một - hiện sống cạnh khu gò cho biết, trước đây trong quá trình rà sắt, đào tìm kim loại, khi đào xuống độ sâu khoảng 60-80cm phát hiện ở gò có khá nhiều gạch Chăm (dân địa phương gọi là gạch Hời). Gạch được xây dựng dày thành hàng lối và khu này trước đây có tên là gò Ông Kế.

Đoàn nghiên cứu cho rằng, gò Ông Kế có thể là phế tích của kiến trúc thờ Phật thời Champa. Hiện trong lòng đất còn có dấu tích kiến trúc, vì vậy, thời gian tới cần có những cuộc thăm dò, khai quật để làm rõ hơn quy mô và mối liên hệ giữa kiến trúc này với những di tích khác cùng thời thuộc văn hóa Champa.

Tượng Phật chùa Hòa Mỹ và dấu vết phế tích kiến trúc ở gò Ông Kế là những phát hiện mới quan trọng trong việc nghiên cứu Phật giáo thời Champa trên vùng đất Quế Sơn nói riêng và nghiên cứu lịch sử Champa nói chung.

Trong tương lai, thiết nghĩ cần có thêm những cuộc thăm dò, khai quật, nghiên cứu, lý giải về các dấu tích này và phương án đăng ký cổ vật, bảo vật quốc gia nhằm bảo vệ pho tượng cổ.

Tượng Phật chùa Hòa Mỹ là pho tượng Chăm còn nguyên vẹn, có tư thế tạc Phật ngồi, theo kiểu Âu châu, giống với tượng Phật Đồng Dương, phát hiện trong Tháp trung tâm năm 1902, tượng bằng đá sa thạch cao 158cm; hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (ký hiệu BTC 138-13.5). Tư thế ngồi theo kiểu Âu châu này cũng là tư thế chưa từng có trong các tượng Phật ở Ấn Độ và Nam Á, hiếm thấy trong nghệ thuật tạc tượng của Trung Quốc.

Theo Trần Kỳ Phương - Nguyễn Thị Tú Anh trong bài viết Giải mã Phật viện Đồng Dương - Nhìn từ cấu trúc của Thai tạng giới mạn-đà-la Mật tông lý giải: pho tượng Phật ngồi hai chân buông thõng, có thể suy luận rằng đây là Phật A-di-đà bởi vì ngài có liên đới với Bồ-tát Lakṣmīndra-Lokeśvara là thần chủ của Phật viện Đồng Dương được xưng tụng trong minh văn của vua Jaya Indravarman.


Hà Sương (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem