Giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT có đáp ứng kế hoạch?

23/04/2024 18:20 GMT+7
Ngày 23/4, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư đã có báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn 59.237 tỷ đồng. Ước đến hết tháng 4/2024, Bộ đã giải ngân được hơn 15.300 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn được giao.

Trong đó, các tuyến cao tốc giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Cũng thông tin về tình hình triển khai các dự án, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, những tháng đầu năm, việc trình duyệt, thi công các dự án đã bám sát kế hoạch yêu cầu.

Trong tháng 4/2024, dự kiến khởi công 8 dự án, hoàn thành 4 dự án. Đến nay, 8 dự án đã được khởi công, 3 dự án được hoàn thành.

Giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT có đáp ứng kế hoạch?- Ảnh 1.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: TA

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công giải đoạn 2021 - 2025, tính đến nay, có 65/66 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn lại 1 dự án chưa phê duyệt là dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay WB.

Có 55/65 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư. Các CĐT/ban QLDA đã lập kế hoạch, hoàn thành phê duyệt 10 dự án trong quý II/2024.

"Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, triển khai đồng thời các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu", ông Tiến thông tin.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tiến hành đầu tư hệ thống Quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm tra tải trọng xe.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Ban QLDA 6 tiếp tục phối hợp với tư vấn để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Trong đó, hệ thống ITS phải nghiên cứu phần mềm dùng chung, bảo đảm hiệu quả đầu tư, đồng bộ trên toàn dự án với giá thành hợp lý.

"Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) phải hoàn thiện đồng bộ, toàn diện nhất, từ hạ tầng phần cứng, phần mềm, đặc biệt là trạm dừng nghỉ.

Việc đầu tư phải đảm bảo khi các dự án thành phần được khánh thành, đưa vào khai thác là đủ điều kiện để bàn giao ngay cho Cục Đường bộ VN quản lý, vận hành khai thác", Bộ trưởng lưu ý.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, cho biết các dự án thành phần hiện nay đã cơ bản hoàn thành, song, Bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục còn lại, sớm bàn giao cho Cục Đường bộ.

"Chúng ta đồng ý quan điểm, trước khi đi vào khai thác chính thức, các dự án cần có thời gian lâm quản nhưng phải rất ngắn và xác định rõ ràng thời hạn. Không thể để việc khai thác tạm, vận hành thử dài như chạy thật. Tất cả các dự án phải hoàn thành đồng bộ và bàn giao nhanh nhất có thể", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thế Anh
Cùng chuyên mục