dd/mm/yyyy

Đèo Pha Đin - bản trường ca bất tử

Đèo Pha Đin là trọng điểm đánh phá của thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bất chấp mưa bom, bão đạn, lực lượng bộ đội, dân quân hỏa tuyến, TNXP luôn đảm bảo đường thông suốt. Những chiến công của họ đã làm nên bản trường ca bất tử.

Đèo Pha Đin một trong tứ đại đèo hùng vĩ nhất đất Tây Bắc. Cách đây 70 năm, đây là tuyến đường độc đạo dẫn tới tỉnh Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm đó, thực dân Pháp đã tìm mọi cách hòng ngăn chặn việc chuyển quân và vũ khí, lương thực, đạn dược của ta lên chiến trường. Cùng với ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài, đèo Pha Đin đã thể hiện được tinh thần bất diệt của các thanh niên xung phong (TNXP).

Thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông đèo Pha Đin còn được giữ vững

Để ngăn chặn đường tiếp tế của ta cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tướng Na- va đã cho hàng trăm máy bay tối tân, hiện đại bắn phá ác liệt các trọng điểm, nút giao thông của ta như đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin… Chúng đã ném hàng trăm tấn bom đủ các loại: Bom phá, bom nổ chậm, bom Na pan, nguy hiểm hơn là bom nổ chậm, bom bươm bướm, một lúc có thể gây sát thương cho nhiều người. Nhất là từ ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, đội TNXP 34 và 36 cùng bộ đội, dân công, nhận trọng trách giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến đường đến mặt trận.

Đèo Pha Đin - bản trường ca bất tử - Ảnh 1.

Đèo Pha Đin giờ đây trở thành địa danh lịch sử.

Hòa chung với niềm hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có may mắn được gặp cụ Nguyễn Văn Ký, cựu TNXP kháng chiến chống Pháp từng làm nhiệm vụ tại đèo Pha Đin năm nào. Cụ Ký đang sống với gia đình ở phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La. Mỗi khi kể lại những ngày hoa lửa đó, cụ như khỏe ra. Những mốc thời gian của cuộc kháng chiến năm xưa được cụ nhớ như in.

Cụ Ký kể, đầu tháng 4/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lâm nguy, để cứu vãn tình hình, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương đã huy động một lực lượng lớn không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường vận tải của ta mà trọng điểm là đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo (Điện Biên), ngã ba Cò Nòi và cầu Tà Vài (Sơn La).

Tại đèo Pha Đin Đại đội TNXP 293 và 294 làm nhiệm vụ giao thông phải hứng chịu sự đánh phá ác liệt của máy bay địch. Nhưng bom đạn địch không thắng nổi ý chí và lòng dũng cảm của TNXP. Họ luôn hạ quyết tâm: TNXP còn thì mạch máu giao thông được giữ vững. Tuyến đường Sơn La – Tuần Giáo qua đèo Pha Đin là con đường huyết mạch, độc đạo dẫn đến Điện Biên Phủ. Do vậy chủ trương của ta quyết tâm bảo vệ con đường này cho đến cùng. Hàng ngàn bộ đội, công binh, TNXP, dân quân hỏa tuyến canh giữ bảo đảm giao thông thông suốt.

Đèo Pha Đin - bản trường ca bất tử - Ảnh 2.

Trên đỉnh đèo Pha Đin diễn ra hoạt động buôn bán tấp nập của bà con người Thái. Cách đây 70 năm, nơi đây các thanh niên xung phong đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ việc lưu thông đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ngày bám trụ tại đèo Pha Đin, cụ Ký từng chứng kiến sự đánh phá ác liệt của thực dân Pháp. Máy bay địch hoạt động thường xuyên, từ 5h sáng tới 5h chiều. Chúng phá đường kèm theo bom nổ chậm, bom bươm bướm gây sát thương cao cho bội đội và dân quân hỏa tuyến, phá các loại xe vận tải, lương thực, vũ khí của ta…. Có đợt địch huy động hàng chục máy bay đánh phá liên tục 18 ngày đêm.

Trong khi đó, đèo Pha Đin giáp với Tuần Giáo rất dốc lại có nhiều đoạn cua liên tục, khúc cua tay áo vô cùng nguy hiểm khi bị địch ném bom. Trung bình một ngày đèo Pha Đin hứng chịu 16 tấn bom các loại của địch hòng hủy diệt tuyến đường quan trọng của ta. Do vậy đèo Pha Đin là điểm xung yếu nhất, là túi bom, là cửa tử của tuyến chiến dịch này.

"56 ngày đêm ngủ rừng, mưa dầm cớm vắt"

Suốt thời gian dài, quân Pháp không ngăn nổi sự tiếp tế của quân ta cho chiến dịch. Cụ Ký kể tiếp, đầu tháng 4/1954, những trận mưa đầu mùa làm cho đường lầy lội, sạt lở gây thêm khó khăn cho công tác hậu cần, vận tải một khối lượng vật chất cần đưa lê đánh mặt trận là rất lớn. Đường vận tải lại xa, máy bay địch gầm rú đánh phá rất ác liệt…

Có lúc đạn pháo ở mặt trận thiếu. Theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Cục trưởng, Cục vận tải Đinh Đức Thiện chỉ huy tuyến Sơn La – Tuần Giáo đã ra lệnh cho xe chở đạn, ngụy trang kĩ, chạy giãn đội hình, hiệp đồng tốt với công binh và pháo cao xạ vượt đèo Pha Đin vào ban ngày, kịp chuyển đạn pháo ra trận địa. Trên đèo lần này có 10 ô tô chở đạn pháo của ta được lệnh chạy ban ngày, khi máy bay địch phát hiện, địch đã quần đảo bắn phá, xe đầu trúng bom, rồi xe thứ hai, thứ ba…

Đèo Pha Đin - bản trường ca bất tử - Ảnh 3.

Trên đỉnh đèo Pha Đin giờ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.

Trước tình thế này, đồng chí Trịnh Xuân Huyền quê ở Hà Tĩnh là Trung đội trưởng đã trực tiếp chỉ huy đơn vị bốc đạn xuống đường để dập lửa, vừa lo đạn trên xe có thể nổ bất cứ lúc nào. Nhưng bằng ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, các đội viên vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu. "Mặc dầu bị thương nặng, nhưng đồng chí Trịnh Xuân Huyền vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu. Bừng sự dũng cảm, mưu trí, dân quân cứu được 7 xe đạn pháo về nơi an toàn, tiếp tục tiến về mặt trận", cụ Ký nhớ lại.

Sau những ngày chiến đấu dũng cảm, đồng chí Xuân Huyền đã được đồng đội đưa về đi cứu chữa và được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, được Bác Hồ biểu dương và tặng cho áo lụa.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có 8 nghìn đội viên của đội 34 và 40 chuyển sang quân đội, trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ. Tuy vậy trên cung đèo Pha Đin vẫn có hàng ngàn TNXP, dân công hỏa tuyến, bộ đội pháo cao xạ, công binh… vẫn "56 ngày đêm ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, vẫn Đèo Pha Đin chị gánh anh thồ…"

Họ đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc. Họ đã vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm bằng đủ các phương tiện, phục vụ kịp thời cho các đại đoàn ta đánh thắng bọn thực dân Pháp, làm lên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Đèo Pha Đin - bản trường ca bất tử - Ảnh 4.

Hoa nở trên đỉnh đèo Pha Đin, những hy sinh, đóng góp của thế hệ cha ông đã mang lại hòa bình hôm nay.

Kết thúc chiến dịch, hàng chục Đại đội của Đội 34-40 không được nghỉ ngơi lại hành quân lên Lai Châu xây dựng tuyến đường chiến lược 100km đi biên giới Việt Trung… và trở lại xây dựng quê hương.

Lực lượng TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã được được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đồng chí đội viên của Đội 34-40 cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Thuần Việt